Monedaily.vn – Cuối năm, nhiều bạn gặp mình đều hỏi “E-commerce năm 2014 và 2015 tại VN sẽ thế nào? Có cơ hội gì ngon ăn không?”
Nói thật là mình mà biết rõ chắc chắn nó sẽ thế nào thì đã giàu to
Cơ mà mình có thể nhận định sơ bộ dựa trên các động thái và diễn biến mà mình được biết như thế này:
1. Về thị trường
Nửa cuối năm 2013, có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ lớn đến bé, từ các quỹ đầu tư mạo hiểm (Ventures Capital) đến các đại gia TMĐT (họ là các tập đoàn về TMĐT đang hoạt động thành công và có thị phần lớn trên thế giới) vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, họ đặc biệt để ý đến thị trường TMĐT tại Việt Nam. Có một số nhà đầu tư đã và đang tiếp xúc, đàm phán với các công ty internet tại VN.
Thông thường, để chốt một thương vụ đầu tư thì mất khoảng 6 tháng đến 2 năm. Như vậy, khoảng cuối năm 2014 và trong năm 2015 sẽ có nhiều thương vụ được chốt, các công ty internet tại VN sẽ có một lượng vốn lớn để đánh mạnh, mở rộng và làm nóng thị trường.
Mặt khác, các đại gia bán lẻ, các siêu thị điện máy, siêu thị về đồ tiêu dùng nhanh (FMCG) tại VN trước giờ chỉ tập trung mạnh vào offline thì trong năm 2013 cũng đã âm thầm chuẩn bị lực lượng, tài nguyên, phương án để mở rộng và đẩy mạnh kênh online, đặt chỉ tiêu bán hàng online chiếm 5-10% tổng doanh số trong năm 2014 và 2015.
Trên tờ Forbes Việt Nam số 8 có bài viết về tỷ phú số 1 Trung Quốc đại lục là Vương Kiện Lâm (tài sản 14,1 tỷ đô), ông chuyên đầu tư vào bất động sản, du lịch, điện ảnh và bán lẻ. Ông đã cược với Mã Vân (tỷ phú, nhà sáng lập tập đoàn Alibaba) rằng nếu trong 19 năm, bán lẻ trực tuyến chiếm hơn 50% tổng doanh thu bán lẻ tại Trung Quốc, ông sẽ trả cho Mã Vân 100 triệu NDT, ngược lại Mã Vân sẽ trả cho ông 100 triệu NDT. Có lẽ họ Vương đã nhìn thấy nguy cơ mô hình kinh doanh lấy bán lẻ làm trung tâm sẽ không bền nên cần phải có lối đi khác. Có thể nói bán lẻ trực tuyến sẽ là cú sốc lớn cho ngành bán lẻ.
2. Cơ hội là gì?
Mình vẫn giữ quan điểm trước đến giờ là nếu không có nhiều tiền thì đừng dại mà nhắm vào thị trường mass (đại chúng), hãy chọn thị trường niche (ngách) để đi nếu muốn startup hay mở rộng sang TMĐT, bởi lẽ đây là ngành đang còn mới, tốn rất nhiều chi phí cho vận hành, marketing, educate thị trường và hàng tồn kho.
Như đã nói ở trên, chắc chắn thị trường TMĐT sẽ nóng lên, lúc đó sẽ có rất nhiều cơ hội mang lại cho chúng ta kiếm tiền. Chúng ta không cần phải trực tiếp lao vào làm các mô hình TMĐT mà có thể làm các dịch vụ hỗ trợ cho thị trường này, các dịch vụ đó trên thế giới gọi là Cloud Services hay cụ thể hơn là Business Process as a Service (BPaaS).
Những nhà kinh doanh TMĐT sẽ rất cần các công cụ như SMS/Email/Social marketing để triển khai và tối ưu hoá các chiến dịch marketing của họ. Hay như các công cụ chuyên “lắng nghe”, phân tích và đo lường việc được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông, diễn đàn và mạng xã hội, nhằm seeding, viral hay xử lý khủng hoảng truyền thông.
Vai trò của logistic rất quan trọng trong TMĐT, chúng ta có thể cung cấp các dịch vụ liên quan đến logistic như giao vận, thanh toán, CSKH hay các dịch vụ hậu mãi…
Có rất nhiều thứ có thể làm thành công, quan trọng là chúng ta phải xác định được ngành hẹp mà chúng ta có thế mạnh, đảm bảo phải trở thành số 1 trong ngành hẹp đó. Hay nói cách khác, làm về dịch vụ gì cũng được, miễn chúng ta phải biết chỗ ngứa của thị trường là chỗ nào và gãi trúng, gãi đúng, gãi thật mạnh ắt hẳn sẽ ngon ăn.
0 comments:
Post a Comment