Những năm gần đây, thị trường điện máy cạnh tranh khốc liệt đến nỗi những ông lớn một thời "làm mưa làm gió" cũng bỗng nhiên ngưng hoạt động.
Đầu năm nay chuỗi siêu thị điện máy Top Care đồng loạt đóng cửa nhưng không cho biết nguyên nhân cụ thể. Theo tìm hiểu, nhân viên tại các cửa hàng này đã được thanh lý hợp đồng từ cuối năm ngoái. Nhiều đối tác cung ứng sản phẩm liên tục yêu cầu thanh toán dứt điểm khoản nợ còn tồn đọng. Không những vậy, 3 cổ đông sáng lập của đơn vị này cũng đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, minh chứng cho việc ông lớn này đã đuối sức trong cuộc đua giành thị phần đang dần chật hẹp này.
Không bám trụ được lâu như Top Care, trước đó các đại gia khác như HomeOne, Best Carings, WonderBuy cũng lần lượt rời khỏi thị trường chỉ sau 2 năm kinh doanh. Riêng WonderBuy chưa đầy một năm đã phá sản và gánh thêm khoản lỗ tới 52 tỷ đồng.
Chia sẻ với VnExpress.net, một lãnh đạo trong ngành điện máy cho biết, thị trường điện máy đang gần như bão hòa, trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận của ngành này không cao, chỉ 2-6%. Mặt khác, đây lại là mặt hàng tiêu dùng dài hạn, doanh số tại các trung tâm điện máy lớn ở TP HCM hiếm tăng trưởng mạnh, thậm chí còn thụt lùi vì nhu cầu của người dân nơi đây giảm dần. Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng là mở rộng quy mô thông qua tăng số lượng cửa hàng, tuy nhiên, phải nhắm vào những nơi có tiềm năng và nhu cầu có xu hướng đi lên. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính mạnh.
Đầu năm nay, Power Buy vừa hoàn tất việc mua lại 49% cổ phần tại Nguyễn Kim. Ảnh: HĐ. |
Trong thời gian qua, ngoài các đại gia như Thế Giới Di Động, Thiên Hòa… thì Nguyễn Kim, đơn vị giữ thị phần lớn đã 2 năm liền không mở rộng mạng lưới. Nếu có, ông lớn này cũng chỉ kết hợp trong một mô hình mới là trung tâm thương mại. Tuy nhiên, sức mua ở những nơi này lại khá èo uột. Không những thế, Nguyễn Kim phải gánh khá nhiều áp lực từ kinh doanh đa ngành, tiềm lực tài chính cũng không còn dồi dào như trước, do vậy, đầu năm 2015, đại gia này đã quyết định “se duyên” với Power Buy - đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group của Thái Lan.
Theo đó, Power Buy đã hoàn tất mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim. Ông Philippe Broianigo, đại diện của Central Group Việt Nam sẽ giữ chức Tổng giám đốc tại Nguyễn Kim. Dự định, thông qua Nguyễn Kim đơn vị này sẽ dễ dàng hơn trong việc mở rộng mạng lưới bán lẻ, còn doanh nghiệp Việt Nam thì được tiếp thêm “sinh lực” trong cuộc đua đầy thách thức.
Trong khi thương vụ mua bán của Nguyễn Kim chưa lắng xuống thì gần một tháng sau đó, ngành điện máy trong nước lại tiếp tục sôi động khi VinPro, thành viên mới của Vingroup tuyên bố nhảy vào lĩnh vực bán lẻ điện máy. Theo đó, đơn vị này dự kiến mở 4 siêu thị điện máy tại các trung tâm thương mại trong tháng 3 và hết năm nay số lượng sẽ lên đến 25 cái, đồng thời lên kế hoạch bán hàng trực tuyến để thu hút người tiêu dùng.
Thừa nhận chịu nhiều áp lực hơn khi nhiều công ty lớn trong và ngoài nước tiếp tục mở rộng thị trường, ông lớn Thế Giới Di Động cũng cho hay sẽ tấn công mạnh về nông thôn. Thêm vào đó, doanh nghiệp này còn tuyên bố sẽ đầu tư 50 tỷ đồng vào mô hình bán lẻ thuộc lĩnh vực mới, đồng thời, đẩy mạnh hoạt động M&A.
Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài cho biết, khá áp lực khi nhiều đại gia lớn chen chân vào ngành này. Tuy nhiên, đây không phải là một ngành dễ dàng thành công. Nhà đầu tư rất dễ sa vào tình trạng lay lắt nếu không có hướng đi bài bản và đúng đắn.
“Minh chứng rõ nét nhất là nhiều đại gia điện máy lớn trên thế giới dù nổi tiếng ở chính quê hương họ nhưng khi chen chân vào các thị trường ngoại đều thất bại, nên tôi không tin là các ông lớn không chuyên ở thị trường nước ngoài đang nhảy vào Việt Nam có thể làm mưa làm gió”, ông Tài nói.
Riêng đối với mô hình điện máy kết hợp trung tâm thương mại đang được nhiều doanh nghiệp lớn áp dụng, ông Tài cho rằng, người tiêu dùng Việt vẫn chưa hưởng ứng. Hiện đã có một số đơn vị thử nghiệm mô hình này nhưng kết quả kinh doanh khá èo uột.
Theo ông Tài, cho dù mô hình ở trung tâm thương mại kết hợp với bán hàng online thì cũng khó phát triển nhanh, bởi, mặt hàng điện máy khá đặc thù. Người mua muốn sờ, nắm được sản phẩm chứ không chỉ nhìn qua ảnh. Rất hiếm khi người đi mua sắm thời trang, hàng tiêu dùng nhanh trong trung tâm thương mại tiện tay mua tivi, tủ lạnh mang về.
Đánh giá về xu hướng chung của thị trường, một số lãnh đạo trong ngành cũng cho hay, thị trường đang dần bão hòa, nhiều doanh nghiệp lớn đang gặp khó. Tuy nhiên, tiềm năng của thị trường này vẫn khá rộng nếu như biết tấn công vào những ngõ hẹp hoặc phân khúc khách hàng mới. Bên cạnh đó, để rút ngắn thời gian mở rộng thị phần cũng như vượt qua mọi khó khăn, nhiều đơn vị điện máy đang tái cấu trúc, thậm chí, sẽ có nhiều hoạt động mua bán sáp nhập trong năm nay.
theo VnExpress.net
0 comments:
Post a Comment