Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
kiem tien, kiem tien online, kiem tien truc tuyen, kiem tien tren mang
Wednesday, October 19, 2011



Từ thiền định, người tu tiến dần đến trí tuệ. Mục đích của Ðạo Phật là diệt khổ và đem vui cho mọi loài, nhưng phải là người có trí tuệ mới biết được con đường đưa đến an lạc và hạnh phúc, đến bờ giải thoát và giác ngộ. Do vậy vai trò của trí tuệ chiếm cứ vị trí then chốt trong mọi lời dạy của Ðức Phật. Chúng ta có thể nói Ðạo Phật là đạo của người trí, là đạo của tuệ giác.




Trước hết chúng ta nên phân biệt hai hạng người. Một hạng người rất uyên bác trong Ðạo Phật, hiểu biết về kinh điển rất nhiều, nhưng chỉ có nghiên cứu Đạo Phật, không có hành trì. Nói về hành thiền thời rất giỏi nhưng không hành thiền. Trình bày rất hay về diệu dụng của trí tuệ, nhưng không phát triển trí tuệ. Hạng người này chưa được gọi là có trí tuệ. Một hạng người khác, có lòng tín thành, hành trì theo những giới cấm trong Ðạo Phật, nhưng chỉ có lòng tin, chưa chuyển lòng tin thành trí, người ấy vẫn có khả năng bị tham sân si chi phối và do vậy, chưa được xem là người có trí tuệ.



"Tuệ" là phân biệt sự, lý, lựa chọn các pháp, dứt sự nghi ngờ, chứng lý chân thật. Tuệ là khả năng khai sáng của tâm trí, quán chiếu sự vật, thể nhập và chứng ngộ chân lý. Tuệ là pháp sáng suốt của tự tâm, luôn luôn thường còn và ai ai cũng sẵn có, chỉ vì mê mờ nên không tự biết, làm cho trí tuệ không được phát triển.



Trong thực tế thời thiền định và trí tuệ không bao giờ rời nhau. Kinh Pháp Cú có nhiều lời vừa đề cao thiền định vừa ca ngợi trí tuệ. Một vị Tỳ kheo đã đắc quả A La Hán trong rừng, đi về viếng Ðức Phật. Trên đường về, sau cả ngày đi mỏi mệt, thầy ngồi trên một tảng đá bằng phẳng và nhập định. Cùng đêm ấy, có năm trăm tên cướp vào làng hành nghề xong cũng leo lên tảng đá và, trong bóng tối, thấy vị sư ngồi, ngỡ gốc cây khô, chúng để những đồ đạc đã cướp được ở quanh thầy, có thứ treo lên đầu, lên vai thầy, rồi nằm xuống đá ngủ. Ðến sáng sớm thức dậy, chúng mới hay mình lầm, xin sám hối. Được thầy giảng cho nghe về chánh pháp chúng cảm phục và xin xuất gia luôn. Kế đó thầy trò cùng nhau kéo về thăm Ðức Phật. Nghe câu chuyện Ngài dạy:



(Pháp Cú 111)

Cho dù sống đến trăm năm

Không còn trí tuệ, không chăm tu thiền

Chẳng bằng sống một ngày liền

Mà đầy trí tuệ, mà chuyên tu thiền.



Một vị Tỳ kheo có tài học rộng, thông suốt giáo pháp, nhưng Ðức Phật vẫn gọi là ông thầy "trống rỗng" để khuyến khích thầy cố gắng đạt đến đạo quả A La Hán. Vị tăng sĩ hiểu ý, rút vào rừng sâu thanh vắng hành thiền. Chấp nhận lời khuyên của một Sa di trẻ tuổi, thầy tinh tấn thực hành thiền định để đắc quả A La Hán. Ðức Phật dùng tuệ nhãn thấy vậy, hiện thân đến trước thầy và dạy rằng:



(Pháp Cú 282)

Tu thiền trí tuệ phát sinh,

Bỏ thiền trí tuệ rời mình trôi ngay

Ai mà thông suốt điều này

Biết so lợi hại, dở hay đôi đường

Tự mình nỗ lực tăng cường

Thêm phần trí tuệ ngát hương thơm lành.



Một vị Tỳ kheo ngồi trong giảng đường thuyết Pháp cho mẹ và nhiều người khác nghe. Cùng lúc ấy có bọn tướng cướp xông vào nhà bà mẹ. Tên đầu đảng thì ở lại cạnh bà canh chừng và định tâm sẽ giết bà nếu bà trở về trước khi chúng cướp xong. Người làm trong nhà bà ba lần chạy đến chùa báo tin, nhưng ba lần, bà đuổi người nhà đi, bảo không nên làm rộn bà trong khi nghe Pháp. Tên chúa đảng lấy làm khâm phục tâm đạo của bà, chạy đi tìm các tên đồng bọn để ra lệnh phải hoàn trả lại tất cả những gì đã lấy. Xong, tất cả đến xin sám hối với bà và đều xin xuất gia. Nhân chuyện này Đức Phật dạy:



(Pháp Cú 372)

Khi mà trí tuệ thiếu rồi

Thời bao thiền định trôi xuôi theo dòng,

Khi mà thiền định chẳng còn

Thời bao trí tuệ theo dòng trôi xuôi,

Ai mà định, tuệ đủ đôi

Sóng vàng đưa lối kề nơi Niết Bàn.



Theo Kinh Pháp Cú thời những người Phật tử trung kiên đang sống giữa đám chúng sinh mê muội, đã đem trí tuệ soi sáng thế gian, như hoa sen thanh khiết mọc lên giữa đám bùn nhơ. Phật giáo không lên án ai một cách vĩnh viễn, không khi nào cho ai là người phải chịu hư hỏng buông lung mãi mãi, không thể cải hóa, vì tánh cách cao thượng luôn luôn ngủ ngầm bên trong mỗi người, dầu là người thấp hèn cách nào, cũng như hoa sen, từ bùn nhơ nước đục vượt lên nhưng vẫn giữ mình trong sạch và tinh khiết. Một tín đồ của một hệ thống tín ngưỡng lõa thể âm mưu thỉnh Đức Phật và các môn đệ của Ngài tới cúng dường với mục đích làm cho mọi người bị sụp vào hầm than hồng đào ngầm bên dưới và do đó bị hạ nhục. Ðức Phật phát giác mưu đồ và cảm hóa kẻ đó rồi kêu kẻ đó đến nghe Pháp. Ðức Phật giải thích rằng vì kém trí tuệ nên nhiều người không nhận thức được sự cao thượng của các môn đệ Ngài. Ðức Phật so sánh những kẻ ấy với người mù và bậc thiện trí như người có mắt:



(Pháp Cú 58 - 59)

Như từ trong đống bùn nhơ

Bên đường nước đọng, ai ngờ nở ra

Hoa sen phô sắc mặn mà

Tỏa hương thanh khiết gần xa đẹp lòng,

Khác chi giữa chốn bụi hồng

Giữa phường mê muội ngập trong não phiền

Nảy sinh Phật tử trung kiên

Rạng soi trí tuệ khắp miền nhân gian.



Một nông dân xuất gia sống đời thiêng liêng vì nghĩ rằng đời sống ở chùa sẽ được dễ dàng hơn. Sau đó, sáu lần thầy hoàn tục và sáu lần đều xin trở lại. Lần thứ bảy trở về nhà khi nhìn thấy hình ảnh vợ anh đang mang thai, nằm ngủ, bụng phình, ngáy ồ ồ, nước dãi chảy, thật là bất tịnh, anh nông dân thật sự nhàm chán thế tục. Anh trở lại chùa và xin xuất gia với những vị tăng sĩ không mấy hoan hỉ chấp nhận một người đã nhiều lần ra đi và trở lại. Sau cùng, anh được thọ “cụ túc giới” và cố gắng chuyên cần, sớm thành đạt đạo quả A La Hán. Các vị Tỳ kheo đồng môn không tin, bạch với Ðức Phật và Ngài giải thích trạng thái "tâm" của anh, trước và sau khi chứng ngộ Niết Bàn:



(Pháp Cú 38)

Người không an định được tâm

Không rành chánh pháp, không thông đạo mầu

Lòng tin lại chẳng bền lâu

Tất nhiên trí tuệ dễ đâu hoàn thành.



Trí tuệ ở đây chính là sự nhìn đúng sự thật của cuộc sống, nhìn đúng sự thật nhân sinh và vũ trụ; nó không bao giờ xem xét sự vật bằng cảm quan, bằng suy lường, bằng cảm nhận; mà nó nhìn sự vật, hiện tượng qua sự thể nghiệm thiền tập và đi vào chánh định, chánh kiến.



Trí tuệ có thể phân tích ra thành ba loại: Trí tuệ phát sinh bằng cách nghe lời dạy của người khác; trí tuệ theo lối hiểu biết phát sinh do sự suy luận; và trí tuệ có được bằng lối thiền định để được khai thông, sáng suốt. Hai loại đầu chỉ cho ta sự sáng suốt về lý luận thế gian. Do hai phương pháp ấy ta chỉ có thể hiểu biết sự vật trong phạm vi mà triết lý có thể thấu hiểu đến như phân biệt thiện, ác; những gì nên làm, những gì không nên làm. Đối với loại thứ ba, nhờ thiền định ta có thể chứng được bằng trực giác những chân lý ngoài phạm vi lý trí. Trạng thái chú tâm vào đề mục thiền định không phải là tâm trạng mơ màng, tiêu cực, mà là một sự nỗ lực, linh động, tích cực. Chính nhờ thiền định ta có thể vượt qua mọi cảnh giới vật chất, nhờ thiền định ta có thể đặt mình vào đời sống kỷ cương, tự kiểm soát thân tâm, tự mình giác ngộ và sáng suốt hoàn toàn. Thiền định là thuốc bổ cho cả tâm lẫn trí. Loại trí tuệ này được Đức Phật tán thán rất nhiều.



Đức Phật khuyên người thiện trí hãy cố thoát ra khỏi thế gian này. Ba mươi vị tỳ kheo đến hầu Phật, nghe Pháp và đắc quả A La Hán cùng các thần thông. Lúc về, các vị đó bay đi. Ðại đức A Nan thấy họ vào mà không thấy họ ra và cũng không thấy họ ở đâu hết nên bạch hỏi Ðức Phật. Cùng lúc ấy có những con thiên nga đang bay trên không trung. Ðức Phật ghi nhận rằng chư vị A La Hán có năng lực thần thông cũng bay giữa không trung như loài thiên nga:



(Pháp Cú 175)

Thiên nga tung cánh thảnh thơi

Chỉ bay theo hướng mặt trời hừng đông,

Người quyền phép nhờ thần thông

Chỉ bay lượn giữa hư không dễ dàng,

Riêng người trí lớn vô vàn

Dẹp trừ dục vọng Ma quân kia rồi

Mới bay khỏi thế gian thôi.



Bậc thiện trí thoát ra khỏi thế gian này nhờ chinh phục được Ma vương dục vọng. Đó là các vị A La Hán, nhập Ðại Niết Bàn, thoát được khỏi sinh tử, không còn tái sinh trở lại trên thế gian nữa.



Như vậy, trí tuệ vô lậu khác hẳn với trí tuệ thế gian hay tri thức thế gian. Trí tuệ vô lậu là con đường giải thoát hoàn toàn, là nguồn sống an lạc, hạnh phúc chân thật, mà trí tuệ thế gian chỉ là yếu tố trợ duyên.



Ba công năng chính của trí tuệ như sau:



1. Dứt trừ phiền não: Phiền não là ngọn lửa luôn luôn ngủ ngầm và bốc cháy trong con người chúng ta bất cứ lúc nào. Nó có công năng thiêu đốt mọi hạnh lành, mọi công đức mà chúng ta đã tạo. Phiền não là do mê lầm phát sinh. Khi trí tuệ đã có thì mê lầm phải mất, như khi ánh sáng phát ra thì bóng tối tất phải tan biến. Mê lầm đã mất thì phiền não tất không còn phát sinh nữa.



2. Chiếu sáng sự vật: Sự vật bị vô minh che khuất, như màn sương sớm che phủ cảnh vật, như mây phủ che lấp mặt trăng khiến trái đất bị bao trùm trong bóng tối. Nay trí tuệ phát chiếu vào sự vật, chẳng khác gì khi ánh sáng mặt trời lên, thì màn sương ắt phải tan biến, khi mây tan đi thì trăng sáng hiện ra và trái đất lại sáng sủa, lúc bấy giờ thực tướng thực tánh của sự vật được lộ bày như thật. Phật Giáo chỉ sử dụng một lưỡi gươm, đó là gươm trí tuệ, và chỉ công nhận một kẻ thù, đó là vô minh.



3. Thể nhập chân lý: Khi bị vô minh phủ lấp, ngăn che thì ta với người, ta với vật tưởng như riêng biệt, sai khác. Nay nhờ trí tuệ soi sáng, thấy rõ được tâm cảnh đều chân không, nên thể nhập được chân lý, giác ngộ hoàn toàn. Phật Giáo xây dựng cuộc sống an lạc, hạnh phúc bằng trí tuệ chứ không phải bằng đức tin.



Trước khi nhập Niết Bàn, Đức Phật cũng đã thiết tha nhắn nhủ rằng: "Trí tuệ là chiếc thuyền kiên cố chở khỏi biển già, đau, chết; là ngọn đèn lớn chói sáng vô minh hắc ám; là liều thuốc hay chữa hết thảy bệnh tật; là chiếc búa sắt chặt gãy cây phiền não. Vậy các ngươi phải lấy sự nghe, sự suy nghĩ, sự tu tập mà tự tăng ích cho trí tuệ mình".



"Đạo Phật là đạo trí tuệ" vì vị giáo chủ đã tỏ ngộ chân lý tuyệt đối và giảng dạy cho đồ chúng những gì Ngài biết bằng trí tuệ siêu xuất của mình. Nền khoa học cách đây hơn 25 thế kỷ vẫn còn sơ khai, con người chưa có kính hiển vi hay kính viễn vọng, cũng chưa có phi thuyền không gian, thế mà Đức Phật đã biết trong ly nước có vô số vi trùng, trong vũ trụ có hằng sa thế giới. Những lời dạy của Ngài về vũ trụ nhân sinh, cho đến nay vẫn là chân lý. Và khi khoa học càng tiến bộ, càng chứng minh sự đúng đắn của mọi điều Ngài tuyên thuyết trước đây.

0 comments:

Post a Comment

domain, domain name, premium domain name for sales

Popular Posts