I. NĂM LỜi KHUYÊN CHÂN THÀNH
Sự trải nghiệm trong quá trình tu học của bao nhiêu bậc hiền thánh đã đi trước, để lại cho ta những lời khuyên có ích, chúng tôi xin chân thành trình bày ra đây những chia sẻ thiết thực nhất.
1. Tin Phật
Là con người như tất cả mọi người chúng ta, ngài cũng được sinh ra, lớn lên vẫn có vợ, có con giống như mọi người. Ý thức được sự khổ đau của sanh, già, bệnh, chết, Ngài đi tu, cuối cùng giác ngộ dưới cội bồ đề. Ngài là con người, Ngài có khả năng giác ngộ thành Phật, chúng ta cũng đồng là con người, thì chúng ta cũng có khả năng giác ngộ như Ngài.
Phật ở đây là danh từ chung, nói cho đủ gọi là Phật Đà. Phật Đà là người giác ngộ, người tỉnh thức, người thấy biết đúng như thật, giả biết giả, thật biết thật. Ai siêng năng, tinh tấn tu hành thì cũng sẽ được như Ngài. Ngài vẫn sống và làm việc phục vụ vì lợi ích cho tất cả mọi người, nhưng không tham đắm mê muội, dính mắc như người đời. Nói và làm tương ứng vì lợi ích chúng sanh.
Phật ở đây có nghĩa là tánh sáng biết của tất cả mọi người hay còn gọi là Phật tánh, tức khả năng giác ngộ, bình đẳng giữa chúng sanh và Phật. Cho nên, trong các bản kinh thường nói như sau “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.” Ai cũng có khả năng thành Phật, ai cũng có tánh biết sáng suốt thường hằng. Chỉ vì mọi người chẳng chịu thừa nhận, nên mãi mãi sống trong tham, giận, si, mê, để rồi phải chịu khổ đau. Cho nên, Bồ-Tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa, dù bị người mắng chửi, đánh đập, nhưng Ngài vẫn nói “Tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài sẽ thành Phật”.
Ai cũng có tánh Phật, sao không chịu thừa nhận? Mắt thấy biết chỉ là thấy, xanh, vàng, đỏ, trắng đều thấy biết rõ ràng không lầm lẫn. Thấy tức biết, không phải tánh sáng suốt của người là gì? Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế.
2. Tin sâu nhân quả nghiệp báo
Nhân quả là giáo lý nền tảng của đạo Phật, có khả năng chuyển hóa khổ đau thành an vui hạnh phúc, làm lành được hưởng phước làm ác chịu khổ đau, hay còn gọi là ở hiền gặp lành, gieo gió gặp bão. Chúng ta tạo nghiệp lành hay dữ, hạt giống lành dữ ấy rơi vào tạng thức. Đến khi đủ duyên chúng ta sẽ thọ nhận tất cả các quả khổ vui, người biết tu sẽ không than oán, hờn trách khi quả khổ đến mà sẵn sàng thọ nhận. Do đó, con người khi mới sinh ra đã có sự bất đồng và sai biệt như giàu nghèo, sang hèn, đẹp xấu, sống thọ, chết yểu, thông minh hay đần độn.
Tuy gieo nhân thì phải gặt quả, nhưng nhân quả không cố định mà có thể thay đổi được. Vì vậy, trong thực tế có người sinh ra trong hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, nghèo đói, xấu xí, tàn tật, nhưng họ cố gắng vươn lên, cuối cùng thành đạt, trở nên giàu có, danh vọng tiếng tăm, có địa vị cao trong xã hội được mọi người kính trọng.
Khi hiểu được giáo lý nhân quả, chúng ta sẽ sống có trách nhiệm và bổn phận hơn. Không ỷ lại hay đổ thừa mọi chuyện xảy ra là do khi không, tự nhiên, mà chính ta phải chịu trách nhiệm đối với hành vi tạo tác của bản thân.
Hiểu và ứng dụng lý nhân quả vào trong đời sống hằng ngày, chúng ta sẽ không đổ thừa do số mệnh định sẵn hay có sự an bày của đấng tạo hóa nào đó, mà không chịu vươn lên làm mới cuộc đời, thay đổi hoàn cảnh.
Do đó, tin sâu lý nhân quả sẽ giúp chúng ta có cách nhìn thông thoáng hơn, không bị lệ thuộc vào một đấng quyền năng thượng đế, mà chính mình là thượng đế của chính mình. Không một ai có quyền ban phước, giáng họa. Mọi sự khổ vui đều do mình tạo lấy và có quyền thay đổi hoàn cảnh sự sống tùy theo năng lực và sự tu tập của mỗi người.
3. Tin sâu Tam Bảo
Phật là con người, Pháp là những lời Phật dạy chân chính của Ngài, Tăng là những người truyền thừa, thay Phật hoằng dương chánh pháp, sống trong tinh thần lục hòa đoàn kết phục vụ vì lợi ích chúng sanh. Tăng là những người hiến trọn đời mình cho mục đích trên cầu thành Phật dưới hoằng hóa độ sanh vì lợi ích con người. Nhờ có chư Tăng, Ni thay Phật hoằng truyền những lời dạy của Ngài khiến cho chánh pháp được mở mang rộng rãi đến tất cả mọi người. Những ai hấp thụ được tinh ba của Phật pháp, người đó ngày càng được hạnh phúc hơn và vui trong đạo lý làm người.
Nhưng Tăng cũng có nhiều loại. Đại khái lược loại có ba : Bồ Tát Tăng, Thanh Văn Tăng và Phàm Phu Tăng. Đây là Tăng bảo chân chánh xứng đáng được mọi người y chỉ tu học và tôn kính cúng dường.
Phật thì tùy duyên giáo hóa, nay chỉ còn lại những lời dạy vàng ngọc của Ngài. Còn Tăng thì thay Phật truyền trì chánh pháp, hiến trọn đời mình cho sự nghiệp vì lợi ích chúng sanh. Tăng Phàm phu là những người chân thật, nguyện hiến trọn đời mình cho lý tưởng giác ngộ và giải thoát, đang kế thừa con đường Phật đạo, tuyên dương chánh pháp giúp cho mọi người bớt khổ, thêm vui, luôn làm lợi ích cho chúng sanh. Tuy Phàm phu tăng chưa thành tựu đạo quả, nhưng nhờ học hiểu và hành trì tới đâu thì hướng dẫn tới đó. Vì vậy, ai phát tâm cúng dường Phàm phu tăng vẫn được phước không thể nghĩ bàn.
Thực tế trong cuộc đời này, Phàm phu tăng là số đông gần gũi với chúng ta nhất. Nếu ai vâng theo và gìn giữ năm điều đạo đức của Phật chế ra vì lòng từ bi, ngăn ngừa chúng ta rơi vào hố sâu tội lỗi như là ý thức được sự khổ đau của sự giết hại gây nên : Chúng con nguyện sống với lòng từ bi, bình đẳng, không làm tổn hại từ con người cho đến các loài vật. Không gian tham trộm cướp, không tà dâm ngoại tình, không nói dối, không uống rượu và dung những chất kích thích có hại như là xì ke, ma túy v.v…Phàm phu tăng chân thật tu hành, thuyết pháp độ sanh mang tinh thần của Thánh Tăng Bồ Tát và Thánh Tăng Thanh Văn.
Phàm phu tăng là số đông dễ gần gũi và tiếp cận hơn. Cho nên chúng ta vẫn học hỏi được những điều hay, lẽ phải để áp dụng vào trong đời sống hằng ngày.
Nói tóm lại, tin sâu Tam bảo là tin Phật, Pháp, Tăng. Khi chúng ta tin, không nên thần tượng hóa các vị. Vì thần tượng hóa dễ sụp đổ và mất tín tâm. Chỉ biết thầy mình hay, thầy mình giỏi. Vì vậy dễ dẫn đến tư tưởng phê bình, chỉ trích người khác.
Tăng là đoàn thể sống trong hòa hợp an vui. Vì lợi ích số đông mà nhiều người cùng sống hòa hợp đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong tinh thần vì hạnh phúc của mọi người.
4. Sám hối làm mới chính mình
Đạo Phật không dạy chúng ta trốn tránh mà sám hối để làm mới chính mình, làm mới cuộc đời. Sám là sám lỗi trước, nguyện không tái phạm lỗi lầm xưa. Hối là ngăn ngừa lỗi sau, không cho phát sinh. Sám hối đúng nghĩa là phải có tâm hổ thẹn và cầu tiến.
Người biết hổ thẹn sẽ không dám cho tội lỗi phát sinh hoài. Do vậy, người thành tâm sám hối thì tội lỗi dần dần được tiêu trừ.
Ai trong chúng ta không một lần vấp ngã dù ít hay nhiều. Nhưng điều quan trọng hơn hết là khi bị vấp ngã, chúng ta có can đảm đứng lên hay không ?
Sám hối là tinh thần cầu tiến, làm mới lại cuộc đời. Với tinh thần cầu tiến, biết hổ thẹn, nhờ sám hối chúng ta sẽ không tái phạm lỗi lầm xưa. Với lòng chí thành thiết tha sám hối sẽ giúp cho chúng ta vơi bớt tội lỗi và từ từ hết sạch.
Nhờ sám hối mà tâm ta ngày càng trong sạch. Dám sám hối là một việc làm can đảm, khiến tâm cống cao ngã mạn, tự ti, mặc cảm, lần lần thuyên giảm.
Tu mà không gan dạ sám hối quả thật là người hèn nhát, không xứng danh là một con người. Sám hối là phương pháp sách tấn mạnh nhất. Nhờ sám hối, dù có tạo tội bao nhiêu, chúng ta vẫn là người tốt của hiện tại và mai sau.
Tóm lại, sám hối là một phương pháp tu hành rất thiết thực, có lợi ích cho hiện tại và mai sau. Người đời vì không biết, nên một khi có lỗi thì ém nhẹm, giấu diếm, không cho ai biết, tìm cách che giấu tội lỗi. Vì thế tội lỗi càng thêm chồng chất, cuối cùng hết phước, chịu họa không thể lường. Người xưa nói: “Người không gặp hoạn nạn, không biết quay đầu sám hối”. Do đó mà đại đa số người đời bị sa hầm sụp hố. Đến khi tỉnh ngộ, hiểu ra, mới biết sám hối là cần thiết.
5. Áp dụng lời Phật dạy
Làm phước, bố thí, cúng dường, giúp đỡ, chia sẻ, niệm Phật, tụng kinh, thiền quán, hồi hướng công đức cho tất cả chúng sanh.
Làm phước, bố thí, cúng dường, giúp đỡ, chia sẻ : là tiêu chí đầu tiên Phật dạy chúng ta. Nhờ vào công đức của những việc làm trên, chúng ta sẽ giảm bớt đi lòng tham, ích kỷ, nhỏ nhoi, ty tiện. Thấy rõ sự sống còn của chúng ta không thể tách rời nhau, mà mọi người phải có trách nhiệm thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.
Tụng kinh để hiểu lời Phật dạy, biết được điều hay, lẽ phải, để mỗi người hiểu đúng, biết đúng, cái gì có lợi ích thiết thực cho mình và người. Tụng kinh để thấm nhuần lời Phật dạy, có ích thiết thực trong việc hành trì, gội rửa thân tâm ngày càng trong sạch. Tụng kinh để ba nghiệp: Thân, khẩu, ý, hằng thanh tịnh, hạnh phúc và an lạc ngay tại đây và bây giờ.
Niệm Phật để giúp ta nhớ nghĩ chân chánh, không nhớ nghĩ lăng xăng, có hại cho mình và người. Niệm Phật tức nhớ Phật. Phật thì từ bi rộng lớn hay cứu khổ chúng sinh. Niệm Phật để tâm được thanh tịnh, sáng suốt, để thấy biết đúng như thật. Niệm Phật là quá trình chuyển hóa ba nghiệp ác thành ba nghiệp thiện, có công năng dừng lắng được điều ác chưa sanh, không cho phát sanh, điều ác đã sanh, không cho tái phát. Niệm Phật để nhớ nghĩ việc làm tốt của Ngài để chúng ta cố gắng thực hành theo.
Thiền quán để thấy rõ sự sai biệt trong cuộc đời đều do con người tạo lấy, giàu nghèo, tốt xấu, nên hư, phải quấy, thành bại, được mất, hơn thua, thông minh, dốt nát, sống thọ, chết yểu đều có nguyên nhân. Nhờ quán chiếu sâu xa lời Phật dạy, giúp cho chúng ta dễ dàng thông cảm, tha thứ, bao dung, thương xót, giúp đỡ, hiểu biết và thương yêu trong tinh thần đoàn kết, hy sinh, giúp đỡ lẫn nhau. Không thấy ai là người thù của mình, chỉ có người chưa thông cảm. Nhờ hiểu và quán chiếu lời Phật dạy, chúng ta sẽ có cuộc sống bình yên, an ổn và cảm thông.
Cuối cùng là Phát nguyện hồi hướng. Hồi là xoay lại. Chúng ta xoay sự ưa thích, quyến luyến ngôi nhà ba độc có công năng tàn phá giới thân huệ mạng của người tu. Hướng là hướng đến Chân, Thiện, Mỹ. Nên mỗi khi làm việc phúc lành nào, chúng ta đều hồi hướng, nhất là sau khi thuyết pháp, giảng kinh, chia sẻ…chúng ta hay đọc bài kệ:
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo
Phát nguyện và hồi hướng để chúng ta cố gắng duy trì những gì có lợi ích cho chúng sanh trong hiện tại và mai sau để tất cả đều chung hưởng.
II. Ba điều tu học
Hòa thượng trụ trì Thiền viện Thường Chiếu dạy rằng “Học tập, làm việc như uống ăn làm nên sự sống. Tu là hơi thở quyết định sự sống.Thân thể này thiếu tu cũng như thiếu hơi thở trong chừng phút giây là chết ngay.”
Để từng bước đạt được kết quả vững chắc. Thiền Viện Thường Chiếu đã đề ra một công thức tu học gồm ba phương diện: Học tập, hành trì và lao động như cái đỉnh ba chân. Thiếu một sẽ không vững chắc, và không thể đầy đủ thành tựu đạo pháp.
Trong ba phương diện trên, phương diện thứ ba “lao động” nó quan trọng không kém hai phương diện học tập và hành trì.
1. Lao động
Lao động để hiểu được sự nhọc nhằn của đàn na tín thí. Họ phải nhịn ăn, bớt mặc để giúp cho chúng ta tu hành. Nhờ lao động mà chúng ta cảm thông được từ con người cho đến muôn loài, đều phải nương nhờ lẫn nhau. Không một loài nào có thể tách khỏi sự cộng sinh của thế gian này. Ta không làm ruộng, nhưng vẫn có cơm ăn . Không dệt vải, nhưng vẫn có áo mặc. Để có cơm ăn, áo mặc, con người đã làm tổn hại không biết bao nhiêu sinh vật khác.
Đây là điều kiện đầu tiên mà tôi học được ở Thiền Viện Thường Chiếu. Lao động để hiểu được giá trị đích thực của nó, để bảo tồn sự sống, để được cùng nhau đóng góp và phát triển trong tình thương yêu nhân loại và muôn loài.
Lao động để biết được công lao cực khổ của con người, để phục vụ cho xã hội, cũng là lẽ sống thiết thực. Nếu thiếu lao động sẽ mất giá trị sự sống và không tồn tại. Ngoài ra, lao động còn là phương cách điều hòa trạng thái tinh thần, rèn luyện thể lực, hòa mình với thiên nhiên. Trong lúc lao động, chúng ta vẫn có thể an nhiên trì niệm, dần dần huân tập, lao động như một nhu cầu sống không thể thiếu trong xã hội.
Lao động như cơm ăn
Học hỏi như uống nước
Tu sửa như hơi thở.
(Lời Hòa thượng Tôn sư)
2. Học tập
Học ở đây là hiểu lời Phật dạy, phải biết một cách rõ ràng, thấu đáo, tường tận. Khi hiểu được rồi, chúng ta áp dụng vào việc tu hành chuyển hóa.
Đức Phật không bắt buộc hoàn toàn tin tưởng vào những lời dạy của Ngài, mà Ngài muốn chúng ta chiêm nghiệm, quán xét, tư duy, soi sáng, thấy rõ lợi ích thiết thực hướng thượng rồi mới tin để áp dụng tu hành.
Nhờ học mà tôi đã ngộ được sự lầm chấp trước kia là sai lầm, thiển cận.
Thuở thiếu thời, mới tám, chin tuổi đời, làm gì có đủ nhận thức về đam mê hưởng thụ. Thế mà tôi đã tiêm nhiễm sa đọa ở lứa tuổi này. Nhờ chiêm nghiệm lời Phật dạy, tôi đã biết được con người khi mới sinh ra với hai bàn tay trắng, duy chỉ có nghiệp thức là con người phải mang theo vĩnh biệt cõi đời. Nghiệp thức là những hành động tốt hoặc xấu, từ thân, miệng, ý mà chúng ta huân tập mỗi ngày, lâu dần trở thành thói quen. Thói quen đó, có sức mạnh chi phối, dẫn dắt chúng ta tới chỗ tốt xấu cho kiếp sau, tùy theo nghiệp nhân.
Nghiệp là những hành vi trong đời sống được lặp đi, lặp lại nhiều lần, lâu ngày trở thành thói quen. Như việc hút thuốc chẳng hạn, lúc mới bắt đầu, bắt chước bạn bè hút thử. Những điếu thuốc đầu tiên, nó chỉ cho ta cái cảm giác đắng hôi, khó chịu mà thôi. Lúc này thì ta làm chủ nó, muốn hút hay không hút tùy ý dễ dàng. Nhưng lâu ngày, dài tháng khi đã quen với hương vị cay đắng ấy rồi thì sự xúc tác của nó mới có tác dụng. Lúc này, điếu thuốc là vật thơm ngon kỳ lạ, thiếu nó ta không chịu nỗi. Vì sao? Vì cơ thể ta đã chịu sự chi phối của nó rồi. Thiếu nó sẽ gây ra trạng thái trong người bức xúc, xốn xang, khó chịu, chảy nước miếng, nước mũi. Tâm trạng thèm khát phát sinh làm ta cảm thấy như thiếu sức sống trong cơ thể mình. Những khi cơn nghiện trẫy lên, lúc ấy ta thấy trên đời này không có gì quý hơn điếu thuốc. Nếu khi đó có liền một con “dế nhũi” thôi là đã hấp dẫn rồi. Huống hồ là được thưởng thức một điếu thuốc nguyên với tách cà phê nóng.
Tất cả quý vị biết dế nhũi là gì không? Dế nhũi là dế tàn thuốc còn sót lại khi người ta hút thuốc gần hết rồi quăng đi. Trong lúc ghiền chỉ cần một con dế nhũi thôi là đã tạo cảm giác dễ chịu rồi, huống chi là đầy đủ.
Như trường hợp thực tế của bản thân tôi, khi còn nhỏ có thói quen mút móng tay, đến nỗi hai cái răng cửa mòn hết một nửa. Mỗi lần tôi mút, cạy răng cửa như vậy là một lần khổ đau. Vì cảm giác khó chịu nhức đầu, có khi giựt bưng bưng cả mặt. Mỗi khi phiền muộn chuyện gì là tôi càng cạy răng nhiều hơn. Cạy càng nhiều thì càng nhức đầu. Vậy mà cho tới năm 47 tuổi, nhờ một bác sĩ nha khoa là một Phật tử thuần thành, pháp danh Xuân Anh, giúp công quả trám và nhổ thay răng cho tôi. Kể từ đó tôi mới chuyển được nghiệp cạy răng của mình.
Tất cả quý vị thấy ghê hồn chưa, đó là thói quen không tạo giá trị, chỉ kích thích cảm giác khó chịu. Vậy mà tôi phải mất gần 40 năm mới có thể chấm dứt được. Như thế có phải là nhờ tha lực hoàn toàn không? Xin thưa với tất cả quý vị là có, nhưng không phải hoàn toàn nhờ vào tha lực, mà đạo lý nhà Phật nói “Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này như thế này thì cái kia như thế đó”.
Ở đây nhà Phật gọi là nhân duyên chuyển nghiệp, chính là vì sợ cạy răng tiếp sẽ bị khiếm khuyết, mất vẻ đẹp của răng và đau khổ. Nên tôi chấm dứt không cạy răng nữa. Vì nghiệp xấu chiêu cảm quả báo, nên phải chịu trong một thời gian dài. Nay hội đủ duyên lành cùng cộng nghiệp tôi đã chuyển được thói quen xấu.
Thí dụ về cái răng nói trên là tạo nghiệp cảm đau khổ mà còn khó bỏ. Thử hỏi nếu chúng ta gieo tạo nghiệp cảm khoái lạc thì làm sao có thể dứt được? Quả là “vượt cạn lên bờ có mấy ai.” Từ đó, nhà Phật chỉ cho chúng ta phương pháp ngăn ngừa những điều tội lỗi và dễ dàng phát sinh những điều thiện ích. Đó là giới. Giới như mãnh đất tốt cho muôn hạt giống lành nẫy mầm, sinh sôi, phát triển.
Muốn trì giới cho tốt, đầu tiên chúng ta phải tin Phật là con người như tất cả mọi người, Ngài cũng được sinh ra từ cha mẹ. Ngài có khả năng thành Phật thì chúng ta cũng có khả năng thành Phật như Ngài, nếu chúng ta làm đúng theo lời Ngài chỉ dạy.
+ Tin Phật pháp có khả năng giúp cho tất cả chúng sanh vượt qua khổ đau, sống an vui hạnh phúc.
+ Tin nhân quả nghiệp báo, gieo nhân tốt hưởng quả tốt, gieo nhân xấu chịu quả xấu.
+ Tin tất cả mọi người có khả năng chuyển hóa nghiệp xấu thành nghiệp thiện lành.
+ Tin chính mình làm được tất cả những điều thiện ích mà mình mong muốn.
+ Phải biết sám hối, quyết chừa bỏ thói hư tật xấu, làm lại cuộc đời.
+ Phát nguyện lớn vì lợi ích Tam Bảo, vì lợi ích tất cả chúng sanh đời đời kiếp kiếp đi theo con đường Phật đạo.
3. Hành trì để chuyển hóa
Đạo Phật ra đời là tùy bệnh cho thuốc. Chúng sinh có nhiều bệnh là đạo Phật có nhiều thuốc. Ai nhận được thuốc thích hợp thì bệnh mau hết, không có pháp môn nào cao, không có pháp môn nào thấp.
Thí dụ, từ Sài Gòn đi Hà Nội, người đi máy bay, người đi tàu hỏa, người đi xe đò, người đi xe gắn máy, xe đạp hoặc đi bộ v.v… Nếu ai chịu đi cũng đều đến đích, tùy theo nhu cầu nhanh chậm mà chọn phương tiện.
Hơn nữa, nếu ai siêng năng tinh tấn tu hành đúng phương pháp, không lười mỏi thì kết quả sẽ càng nhanh.
Nước trăm sông đều về biển cả. Tóm lại, tùy sở thích, tùy khả năng, tùy chất người. Phương pháp nào của Đức Phật cũng tốt cả, tùy theo nghiệp báo sai biệt của mỗi người và mức độ phát huy năng lực tu hành của chúng ta mà được kết quả sớm hay trễ. Nên có câu :
Truyền trao mãi không thôi.
Chẳng bao giờ dứt mất
Chỉ vì chẳng chịu nhận
Nên đành chịu khổ đau.
Khả năng con người, nếu nhịn ăn phải từ 60 ngày đến 120 ngày mới chết. Nếu nhịn uống phải từ hai tuần đến một tháng mới chết. Còn thở ra mà không hít vào chỉ trong chừng phút giây là có thể chết ngay.
Đạo lý học tập, làm việc và hành trì không thể thiếu trong nhu cầu sự sống của con người. Nếu ai biết áp dụng nhuần nhuyễn và tinh cần thì sẽ an lạc, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
Thích Phổ Giác
(theo thienviendaidang)
0 comments:
Post a Comment