Vài hôm trước có nói chuyện với Thầy của CN ,Thầy nói ở Châu Đốc bị lụt lội qúa chừng ,nhiều người nghèo khổ qúa khg có gạo ăn , có 1 số Qúy Thầy và Qúy Sư Cô đem gạo và mỳ gói lại cho ,họ mừng qúa chừng và cũng khóc và cám ơn nhiều lắm ......giờ thì đồ ăn ở VN lên giá rất cao ,thật khổ cho những người dân nghèo ....
Mấy năm nay thiên tai hoành hành khắp nơi ,hết nghe chổ này đến chổ kia xảy ra chuyện ,hồi xưa chưa tin sâu Đạo lắm thì CN rất mê đi coi bói , có ông Thầy kia lên xác coi rất hay ,ông nói sau này rất đói ,khổ , nhất là ở xứ lạnh ,gạo sẽ biến thành đá hết , và thiên tai rất nhiều do tâm con người càng ngày càng ác ,thì ông trời sẽ diệt từ từ bớt ,sàng sẩy chết 7 phần chỉ còn ba , còn sót lại là những người có tâm tốt .....lúc đó CN chỉ ham làm giàu ,nên đi coi bói chỉ hỏi năm nay làm ăn có thuận buồm xuôi gió khg ? Mà coi 4 Thầy thì cả 4 đều khuyên CN lo tu đi chứ ở đó mà lo làm giàu chi , chết hết bây giờ ......còn sư phụ của CN thì nói sau này CN sẽ đi tu , CN nói con sợ đi tu lắm Thầy ơi , đi tu cực lắm á , nhưng sư phụ bảo sau này con thấy nhiều người chung quanh con chết nhiều qúa cho nên con hoảng hồn mà đi tu ......ai da ,sư phụ này sau hạ thấp tui dử vậy ta ,chẳng lẽ mặt này đi tu vì sợ chết ,thiệt là tình mừ ......
Trở lại chuyện đốn rừng ,ở Bắc Hàn cả chục năm về trước do tàn phá rừng nhiều qúa cho nên giờ bị lũ lụt hoài ,dân chúng khg trồng trọt gì được ,biết bao nhiêu năm nay kinh tế suy sụp ,nghèo qúa chừng luôn ....Ở Mỹ đây CN thấy rất hay , khi đốn cây trong rừng là họ trồng lại nhiều cây mới ,và khi họ đốn là phải lựa khg ngay chổ mà cây đang chặn nước và đất ngay vùng dân cư đang sinh sống ,và trong trường học họ dạy trẻ em bảo vệ môi trường rất hay ,như mấy đứa con của CN ,về nhà là luôn bảo CN phải bảo vệ môi trường nha Mommy ,Mom khg được đốn cây nè ,Mom khg được vứt bỏ những bình nhựa ,bịt nhựa nè ,sẽ làm những con thú bị chết ....phải xài bịt giấy nè thay vì xài bịt ny lông .....và đòi trồng thêm cây quanh nhà ,nhà cả đống cây ,trồng cây thêm chắc có gió bão nữa là tui lo cây ngã trúng nhà ,khỏi ngủ ....))))
1. Tầm quan trọng của rừng đối với đời sống con người
Rừng là một hệ thống phức tạp bao gồm các yếu tố lý học, hóa học và sinh học tác động qua lại với nhau, là một tổng thể của khí hậu, đất đai, động vật, thực vật và vi sinh vật; đó là một siêu cơ thể tiến hóa tương đối chậm chạp, tham gia vào các chu trình C, O2, N2, H2O và của nhiều loại chất khoáng khác. Ngoài ra rừng còn có vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, giữ nước chống xói mòn đất, chống lũ lụt, chống sa mạc hóa, chắn gió và bảo vệ mùa màng...
a. Rừng với khí quyển
Khí quyển và sự sống trên hành tinh là 1 thể thống nhất do những điều kiện cơ bản trong thành phần cấu tạo của nó. Thành phần khí trong khí quyển trên trái đất hầu như không thay đổi mặc dù chúng liên tục bị hấp thụ hoặc gắn vào các kết hợp hóa học trong các chu trình Sinh Ðịa Hóa của tự nhiên, đều có vai trò đóng góp của rừng.
Vai trò quan trọng nhất của rừng đối với khí quyển là sự cung cấp oxy, oxy là nhân tố đặc biệt quan trọng cho sự tồn tại của sinh vật. Thành phần oxy trong không khí không đổi mặc dù oxy liên tục đi vào các phản ứng oxy hóa dưới nhiều dạng khác nhau như đảm bảo cho quá trình hô hấp của động vật và thực vật, sự biến đổi các hợp chất hữu cơ và tham gia hàng loạt các phản ứng hóa học trong tự nhiên.... Lượng oxy của khí quyển bị mất đi sẽ được hoàn trả lại bằng con đường quang hợp của cây xanh. Người ta tính rằng, hằng năm bằng con đường quang hợp, cây xanh đã tạo ra khoảng 1011 tấn chất hữu cơ và để thoát ra ngoài khí quyển một lượng oxy tự do tương đương như thế; trong số nầy cây rừng đảm đương phần lớn. Như vậy rừng là nhân tố chủ yếu tham gia vào việc giử cán cân oxy trong thành phần của khí quyển.
Ngoài vai trò cung cấp oxy cho khí quyển, rừng còn là màng lọc không khí trong lành như cản khói bụi, hạn chế nhiều loại vi khuẩn và siêu vi khuẩn gây hại cho con người và các động vật. Ngoài ra rừng còn có vai trò quan trọng trong sự điều hòa khí hậu của quả đất. Vì vậy, rừng được xem là lá phổi xanh của quả đất
b. Rừng đối với đất
Rừng và đất có mối quan hệ mật thiết với nhau thể hiện bởi rừng tham gia vào quá trình hình thành và phát triển đất; ngược lại đất là cơ sở duy trì sự tồn tại và phát triển của rừng. Hệ thống đất-rừng đảm nhiệm chức năng quan trọng là yếu tố tối cần thiết cho sự sống của con người và các động vật khác.
Rừng lấy chất dinh dưỡng từ đất để phát triển; các cành, lá rụng xuống sẽ được các vi sinh vật phân hủy thành mùn và mùn tiếp tục được khoáng hoá cho ra những chất dinh dưỡng mới cung cấp lại cho cây. Theo sự ước tính, dưới tán lá rừng thuần loại 5-6 tuổi, thì lượng cành, lá rụng hằng năm trung bình từ 5-10 tấn/ha tương đương với khoảng 80-90 kg N2, 8 kg P2O5 và 8 kg K2O (Nguyễn Văn Trương, 1989).
Quá trình sinh học giữa đất và rừng là liên tục, đảm bảo cho độ phì nhiêu của đất và cho cả năng suất sinh học của rừng. Tuần hoàn sinh học trong hệ sinh thái rừng sẽ ở trạng thái cân bằng bền vững nếu như không có sự can thiệp của con người.
Rừng phản ánh tính chất của đất: Tùy theo từng loại đất và điều kiện địa hình khác nhau sẽ hình thành nên những loại rừng khác nhau. Rừng ngập mặn ở vùng duyên hải có những loài cây khác hẳn với rừng đồi núi, mặc dù ở trong cùng một đai khí hậu nhiệt đới.
Thí dụ: ở rừng ngập mặn chúng ta gặp các loài thực vật đặc trưng cho đất ngập mặn mà những thực vật nầy ta không gặp chúng ở vùng đồi núi... Từ bờ biển vào nội điạ, đất cao dần và độ mặn thấp dần nên các loài thực vật sinh trưởng trên những vùng đất đó cũng khác nhau: trên đất lầy ven biển là Mắm, những cây tiếp đến là Ðước, Vẹt vào sâu nữa là Cốc, Dà và trên đất khô là Chà là.... Những loài thực vật xác định tính chất của đất có thể xem là các thực vật chỉ thị.
Rừng bảo vệ cho đất chống lại sự xói mòn: ở những nơi đất có độ dốc cao và lượng mưa lớn thì tốc độ xói mòn của mưa và của các dòng chảy trên mặt đất sẽ càng lớn. Vì vậy rừng có vai trò quan trọng trong sự bảo vệ lớp đất mặt chống lại sự xói mòn do nước và do gió, vì lớp cành và lá mục có thể giữ được nước; thân và rể cây có khả năng ngăn cản được phần nào tốc độ của dòng chảy, các tàng lá có khả năng chắn gió và phân tán các hạt nước mưa bảo vệ được lớp đất mặt tránh được sự tác động xói mòn khi hạt mưa rơi xuống..., như vậy rừng là cơ cấu hữu hiệu nhất giữ lại được lớp đất mặt vốn dể bị cuốn trôi. Do đó các hoạt động của con người như phá rừng để lấy gỗ, để lấy đất canh tác... là nguyên nhân làm cho đất bị xói mòn trở thành bạc màu và hoang hóa.
c. Rừng đối với mùa màng
Ðối với mùa màng, rừng có vai trò trực tiếp hoặc gián tiếp đến năng suất của cây trồng và vật nuôi thể hiện ở các mặt sau:
- Rừng có tác động che chắn gió, cường độ mưa rơi, cường độ dòng chảy... nên hạn chế xói mòn đất, bảo toàn được chất dinh dưỡng trong đất cung cấp cho cây trồng.
- Rừng cung cấp chất dinh dưỡng cho đất làm tăng độ phì của đất giúp cho cây trồng phát triển.
- Rừng giữ nhiệt độ cho tầng đất mặt và lớp khí quyển sát với tầng đất mặt, điều hòa tiểu khí hậu giúp cho cây trồng phát triển thuận lợi.
- Rừng điều hòa nhiệt độ nên làm giảm sự thoát hơi nước của cây, sự bốc hơi nước của đất và giữ lại nước trong đất giúp cho sự hòa tan chất dinh dưỡng, nhờ đó mà rể cây hấp thụ được dể dàng.
- Rừng ngăn chận được các luồng gió mạnh, chắn rét cho đàn gia súc, giúp cho cây trồng tránh được sự gãy đổ.
- Rừng còn cung cấp chất đốt cho việc sấy hoa màu, lương thực, chế biến thực phẩm...
d. Rừng cung cấp nguồn gen quý
Trong thập kỷ 80, các nghiên cứu quốc tế về tài nguyên rừng cho thấy các tài nguyên động vật và thực vật quí của nhân loại phần lớn tập trung ở trong các rừng nhiệt đới (FAO, 1984), trong đó rừng nhiệt đới Châu Á có nhiều loại cây và con có giá trị quí giá nhất hay nói khác đi là rừng nhiệt đới là một ngân hàng tài nguyên gen to lớn và đa dạng.
Từ các nghiên cứu đó, để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông- lâm nghiệp, các nhà di truyền học đang tập trung nghiên cứu nguồn tài nguyên gen thực - động vật nhằm để phát hiện các gen quý, để bảo tồn và phát huy những đặc tính di truyền quí giá của chúng hướng chúng vào việc phục vụ lợi ích của con người.
Hiện nay do nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia mà rừng càng ngày càng bị tàn phá nặng nề, nhất là các khu rừng nhiệt đới, nay đã đến mức báo động. Vì vậy để bảo tồn được nguồn gen quý hiếm nầy, trước tiên là phải kêu gọi các quốc gia có nguồn tài nguyên quí giá đó hãy vì lợi ích chung của cả nhân loại mà ra sức bảo vệ để nguồn gen quý giá đó sẽ trở thành vô giá.
e. Các lợi ích khác của rừng
Trong các phần trình bày ở trên cho ta thấy được vai trò chung của rừng trong một số mặt chủ yếu. Ngoài ra rừng còn có nhiều vai trò khác nữa trong cuộc sống của con người:
- Rừng là nguồn cung cấp gỗ và các sản phẩm của gỗ: rừng cung cấp gổ được sử dụng làm vật liệu xây dựng, vật liệu trang trí, là nguồn cung cấp các sản phẩm hóa học, cung cấp sợi dệt, làm bột giấy, lấy tinh dầu, nhựa cây, thuốc nhuộm...Theo số liệu của nhiều tài liệu cho thấy bình quân trên toàn thế giới có 45% lượng gổ khai thác được con người sử dụng làm chất đốt, 35%dùng cho xây dựng và trang trí, 12% sử dụng làm bột giấy và số còn lại được sử dụng cho nhiều nhu cầu khác của con người.
- Rừng là nguồn cung cấp và điều hòa nguồn nước ngọt: ở những vùng có lượng mưa nhiều; vào mùa mưa, nước mưa được giử lại trong thảm lá mục và trong lớp đất tơi xốp rồi trực di xuống các tầng đất sâu hơn hình thành nên những mạch nước ngầm, nên ta có thể xem rừng là kho dự trử nước và điều phối nguồn nước ngọt cho nhu cầu sinh hoạt và các hoạt động nông nghiệp của con người vào mùa khô hạn.
- Rừng là kho thực phẩm: Rừng là nơi cung cấp những loài thực vật và động vật có thể sử dụng làm nguồn lương thực và thực phẩm cho người. Theo số liệu thống kê cho biết có 62 quốc gia sử dụng 25% lượng prôtein từ các động vật trong rừng, 19 quốc gia sử dụng 50% lượng protein, Thái Lan: 51%, Philippin: 52%, Indonesia: 68%... và đặc biệt các nước như Ghana, Congo (Zaire) và nhiều nước ở Tây và Trung Phi sử dụng đến 75% lượng protein được lấy từ các động vật rừng.
- Rừng có tác dụng chống sự bồi lấp : rừng giúp cho đất chống lại sự xói mòn, gián tiếp chống sự bồi lấp lòng sông, hồ, các công trình thủy điện và các công trình thủy lợi.
- Rừng còn là kho thuốc vô giá: rừng có rất nhiều loài thực vật và động vật có dược tính được sử dụng làm thuốc phục vụ sức khỏe của con người.
Hiện nay, rừng trên toàn thế giới bị con người tàn phá đã thu hẹp diện tích với một tốc độ rất nhanh nhất là các khu rừng nhiệt đới. Theo các chuyên gia và các nhà bảo vệ rừng cho biết hằng năm trên thế giới có khoảng 4,6 triệu ha rừng nhiệt đới bị phá hủy. Vì các lợi ích nêu trên và vì sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người nên vấn đề đặt ra là mỗi người trong chúng ta phải có nhiệm vụ bảo vệ, duy trì và phát triển nguồn tài nguyên nầy.
2. Tài nguyên rừng trên thế giới
Rừng phân bố không đồng đều trên các Châu lục về diện tích cũng như về thể loại. Tính tổng thể thì rừng chiếm 29% diện tích của các đại lục tương ứng với 3.837 triệu ha gồm 1.280 triệu ha rừng thông ở vùng ôn đới và hàn đới, 2.557 triệu ha rừng rậm ở vùng nhiệt đới và xích đạo.
Rừng phản ánh các đai khí hậu thông qua cấu trúc và thành phần của nó:
- Ở vùng cực: do khí hậu quá lạnh nên các cây gổ lớn không phát triển mà chủ yếu là rong, nấm, địa y và một số loài thân thào; chúng phát triển vào 3 tháng mùa hè tạo nên lớp thảm thực vật gọi là đài nguyên.
- Ở vùng ôn đới: do khí hậu ôn hòa hơn và có 4 mùa rõ rệt trong năm hình thành 3 loại rừng: rừng cây lá kim, rừng hỗn hợp và rừng cây lá rộng thay lá theo mùa. Ngoài ra ở những nơi thuộc vùng ôn đới có mùa khô kéo dài, lớp thảm thực vật gồm các loài thân thảo gọi là thảo nguyên.
- Ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới: khí hậu nóng ẩm và lượng mưa nhiều. Rừng nhiệt đới rất đa dạng về thành phần loài. Phần lớn là cây lá rộng và lá thường xanh quanh năm, tạo nên từ 3 - 5 tầng cây thân mộc. Loại rừng nầy cho năng suất gỗ cao nhất.
- Ở vùng khí hậu khô, nóng như sa mạc và bán sa mạc: do nhiệt độ cao và khô hạn nên lớp thảm thực vật thưa thớt, nghèo nàn bao gồm các loài thân thảo, cây bụi, cây gổ nhỏ gọi là Savane.
Khi đi từ xích đạo hướng về cực, thảm thực vật rừng biến đổi về kích thước cây, về chủng loại và cấu trúc... là do có sự khác biệt về khí hậu như nhiệt độ, ẩm độ và cường độ chiếu sáng của mặt trời. Ta cũng thấy sự biến đổi tương tự như vậy khi đi từ đồng bằng lên dần trên núi cao.
3. Tài nguyên rừng ở Việt Nam
Theo tài liệu của Maurand thì trước năm 1945, Việt Nam có 14 triệu ha rừng chiếm hơn 42% diện tích tự nhiên của cả nước, năm 1975 diện tích rừng chỉ còn 9,5 triệu ha (chiếm 29% diện tích tự nhiên), năm 1985 còn 7,8 triệu ha (23,6%) đến năm 1989 chỉ còn 6, 5 triệu ha (19,7%) (Viện điều tra qui hoạch rừng Việt Nam, 1989).
Do đất nước ta trải dài từ bắc xuống nam và điạ hình với nhiều cao độ khác nhau so với mực nước biển nên rừng phân bố trên khắp các dạng địa hình, với nét độc đáo của vùng nhiệt đới và rất đa dạng: có nhiều rừng xanh quanh năm, rừng già nguyên thủy, rừng cây lá rộng, rừng cây lá kim, rừng thứ cấp, truông cây bụi và đặc biệt là rừng ngập mặn...
Rừng Việt Nam có nguồn tài nguyên sinh vật đa dạng. Có thể nói nước ta là trung tâm thu nhập các luồng thực vật và động vật từ phía bắc xuống, phía tây qua, phía nam lên và từ đây phân bố đến các nơi khác trong vùng. Ðồng thời, nước ta có độ cao ngang từ mực nước biển đến trên 3.000 m nên VN có nhiều loại rừng với nhiều loại thực vật và động vật quý hiếm và độc đáo mà các nước ôn đới khó có thể tìm thấy được:
- Về thực vật, theo số liệu thống kê gần đây thì có khoảng 12.000 loài thực vật, nhưng chỉ có khoảng 10.500 loài đã được mô tả (Hộ, 1991- 1993), trong đó có khoảng 10% là loài đặc hữu; 800 loài rêu; 600 loài nấm... Khoảng 2.300 loài cây có mạch đã được dùng làm lương thực, thực phẩm, làm thức ăn cho gia súc. Về cây lấy gỗ gồm có 41 loài cho gỗ quí (nhóm 1), 20 loài cho gỗ bền chắc (nhóm 2), 24 loài cho gỗ đồ mộc và xây dựng (nhóm 3)..., loại rừng cho gỗ nầy chiếm khoảng 6 triệu ha. Ngoài ra rừng VN còn có loại rừng tre, trúc chiếm khoảng 1,5 triệu ha gồm khoảng 25 loài đã được gây trồng có giá trị kinh tế cao.
Ngoài những cây làm lương thực, thực phẩm và những cây lấy gỗ ra, rừng Việt Nam còn có những cây được sử dụng làm dược liệu gồm khoảng 1500 loài trong đó có khoảng 75% là cây hoang dại. Những cây có chứa hóa chất quý hiếm như cây Tô hạp (Altingia sp.) có nhựa thơm có ở vùng núi Tây Bắc và Trung bộ; cây Gió bầu (Aquilaria agalocha) sinh ra trầm hương, phân bố từ Nghệ tỉnh đến Thuận Hải; cây Dầu rái (Dipterocarpus) cho gỗ và cho dầu nhựa...
- Về động vật cũng rất đa dạng, ngoài các loài động vật đặc hữu Việt Nam còn có những loài mang tính chất tổng hợp của khu hệ động vật miền nam Trung Hoa, Ấn Ðộ, Mã Lai, Miến Ðiện. Hiện tại đã thống kê được khoảng 774 loài chim, 273 loài thú, 180 loài bò sát, 80 loài lưỡng cư, 475 loài cá nước ngọt và 1.650 loài cá ở rừng ngập mặn và cá biển; chúng phân bố trên những sinh cảnh khác nhau, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao, có ý nghĩa khoa học. Nhiều loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ của thế giới.
4. Bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng :
Khi chưa có sự xuất hiện của con người, rừng che phủ hầu hết đất đai của các lục địa. Trong lịch sử phát triển của loài người vào thời kỳ đồ đã cũ, con người sống hoàn toàn phụ thuộc vào rừng bằng các hoạt động săn bắt và hái lượm, các hoạt động nầy không gây thiệt hại gì cho rừng. Ðến khi con người bắt đầu biết chăn nuôi và trồng trọt thì con người có những hoạt động tác hại đến rừng, mặc dù các tác động nầy có phần nào hạn chế sự phát triển của rừng nhưng cũng chưa đáng kể lắm.
Kể từ thế kỹ thứ 3 trước Công nguyên trở về sau thì rừng mới thực sự bị con người tấn công khai phá. Sự tấn công khai phá rừng được thấy rõ nét nhất ở châu Âu, khi ấy dân số đông dần, nông nghiệp càng ngày càng mở rộng đồng thời nghề luyện kim xuất hiện, con người đốt rừng để trồng tỉa, lấy gỗ để làm nhiên liệu, làm nhà, đẻo gỗ làm thuyền, làm bè... cứ như thế rừng bị thu hẹp dần. Cùng với sự phát triển nền công nghiệp, dân cư càng ngày càng tập trung ở các đô thị làm cho rừng càng ngày càng bị thu hẹp hơn.
theo Vietsciences
0 comments:
Post a Comment