Một vài cảm nghĩ Về Hạnh Nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm
Bồ Tát Quan Thế Âm, tiếng Phạn gọi là Bodhisattva Avalokitesvara là vị Bồ tát có nhân duyên rất lớn với chúng sanh ở cõi Ta bà nầy. Ðối với các nước theo Phật giáo Phát Triển, người ta thường kính ngưỡng tôn thờ và rất tin tưởng đức Bồ tát Quan Thế Âm. Ðại biểu như các nước Trung Hoa, Nhật Bổn, Ðại Hàn, Việt Nam v.v… Những quốc gia nầy, hầu hết trong các ngôi Già lam, nơi nào cũng có tôn thờ Thánh tượng Bồ tát Quan Thế Âm. Chẳng những thờ trong chùa không thôi, mà người ta còn tạo tượng tôn trí thờ Ngài ở bên ngoài chùa nữa. Thông thường, người ta hay gọi hình tượng nầy là Quan Âm lộ thiên. Về tôn tượng của Ngài, có nhiều hình tượng khác nhau. Ðại khái có những hình tượng rất thông dụng và đã được phổ biến rộng khắp sau đây:
Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn: Theo Kinh Phật thuyết Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Âm Bồ Tát đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà la ni nói: “Bồ tát phát nguyện vì lợi ích chúng sanh nên biến hiện ngàn mắt ngàn tay. Hai mắt hai tay buông xuống, mỗi bên trái phải có 20 tay, trong mỗi tay có một con mắt, các mắt là nhằm vào 25 hữu, thành ra ngàn tay ngàn mắt. Ngoài ra còn có cách tạo hình ngàn tay mỗi bàn tay có một con mắt, đầu đội khăn báu, trên có hóa Phật. Tay ở tượng có 18 tay, trước là 2 tay chấp lại, 14 tay khác đều có cầm pháp khí như: Chùy kim cang, kích, phạm giáp, bảo ấn, cành sen, dây sợi, nhành dương v.v…
Thánh Quán Âm: còn gọi Thánh Quán Tự Tại, đây là hình tượng thế ngồi kiết già có thể thấy ở một số nơi trong các chùa mà chúng ta đã thấy qua.
Mã đầu Quán Âm: hình tượng nầy, ta cũngthường thấy trên đầu của Ngài có hình tượng con ngựa với một uy thế rất hùng dũng uy mãnh.
Thập Nhất Diện Quán Âm: đây là hình tượng đức Quan Âm gồm có 11 mặt. Hình tượng nầy, người ta còn gọi là Ðại Quang Phổ Chiếu Quan Âm. “Trong kinh diễn tả hình tượng nầy có ba dạng thức tiêu biểu: phía trước có 3 mặt là mặt Bồ tát, bên trái có 3 mặt là mặt tức giận, 3 mặt bên phải tựa như mặt Bồ tát, một mặt sau cười, ở trên là một mặt Phật. Một dạng khác với gương mặt dữ nhằm cải hóa chúng sanh, thứ hai là mặt dung từ hóa độ những người hiền, thứ ba là mặt trầm tịch với tinh thần hóa độ người xuất thế. Dạng cuối cùng là 9 mặt. trên là gương mặt tươi cười, biểu thị sự giáo hóa tối yếu đầy vẻ uy nghiêm, trên cùng là mặt Phật, biểu thị sự thành tựu tối hậu”.
Chuẩn Ðề Quán Âm: Chuẩn Ðề biểu thị cho sự tinh khiết, trong Mật Giáo cho rằng Bồ tát nầy là Mẹ sanh ra tất cả chư Phật. Trong Kinh Thất Chi Phụ Mẫu Sở Thuyết Chuẩn Ðề có nói: trên mặt tượng có 3 mắt, với 18 làm tướng nói pháp… mô tả mỗi tay cầm một loại pháp khí khác nhau.
Bạch Y Quán Âm: còn gọi là Bạch Y Ðại Sĩ, hình của Ngài mặc y trắng đứng trên hoa sen trắng, tay cầm tịnh bình và cành dương liễu. Hình tượng nầy, ta thường thấy người ta tôn thờ Ngài ở ngoài trời, gọi là Quan Âm lộ thiên.
Quán Âm Ngư Lam: Tôn tượng nầy có đôi mắt hiền hậu, mũi cao, miệng nhỏ, tóc cài thường như một phụ nữ trong dân gian, tay cầm giỏ tre, trong giỏ có con cá Lý ngư. Ðây là hình ảnh vị Bồ tát xuất thần nhập hóa nhưng lại là một thiếu phụ thôn dã.
Quán Âm Diệu Thiện: hình tượng nầy người ta dựa vào cốt truyện vua Diệu Trang Nghiêm có ba người con gái, nàng con út tên là Diệu Thiện, tự cắt tóc móc mắt cứu vua cha. Ðại đa số các học giả Trung Quốc cho rằng Quán Âm mang thân người nữ bắt đầu từ đây (?)
Quán Âm và Long Nữ: hình tượng nầy, ta thấy người ta tạc tượng bên trái Quán Âm là Thiện tài đồng tử, bên phải là cô gái trẻ đứng, đó là Long nữ.
Quán Âm Nam Hải: hình ảnh nầy người ta dựa vào một cốt truyện do một vị tăng đời Nguyên sáng tác. Tác phẩm nầy được truyền vào Việt Nam vào khoảng thế kỷ XIV. Và tác phẩm nầy đã được Việt hóa hoàn toàn. Ðức Quan Âm nầy cũng có tên là Diệu Thiện sanh ở nước Hưng Lâm, nhưng đi tu tại chùa Hương Tích (Việt Nam) và thành Phật tại đây. Vì Ngài cư trú nơi biển Nam nên gọi là Quan Âm Nam Hải. (Ðôi điều về Quan Thế Âm của Thích Thiện Bảo)
Về hạnh nguyện thị hiện những hóa thân cứu khổ của Bồ tát Quan Thế Âm, chúng ta thấy rất rõ trong Kinh Pháp Hoa ở phẩm Phổ Môn. Kinh diễn tả Bồ tát hiện 32 ứng thân đủ loại tùy hình và 19 lối thuyết pháp để phổ độ chúng sanh. Ngài còn có 14 năng lực vô úy. Hình ảnh đức Chuẩn Ðề vương là hóa thân của Ngài có ngàn tay ngàn mắt. Mắt và tay là biểu thị cho lòng từ bi và trí tuệ. Có đầy đủ Bi Trí song hành và đức tánh vô úy, thì việc hoằng hóa độ sanh của Bồ tát mới có thể đạt được hiệu quả cao.
Hạnh nguyện của Bồ Tát Quan Thế Âm là hạnh nguyện lắng nghe từ bi cứu khổ. Vì ngay danh hiệu của Ngài cũng đã nói lên cái ý nghĩa đó. Quán Thế Âm có nghĩa là quan sát tiếng tăm kêu than thống khổ của người đời mà Ngài hiện thân đến để cứu độ cho họ vượt qua mọi khổ nạn. Ðó là hạnh nguyện vị tha lớn lao trùm khắp pháp giới của Ngài. Bồ tát thì lúc nào cũng sẵn sàng cứu khổ chúng sanh, nhưng chúng sanh khi nào gặp khổ nạn thì mới tưởng nhớ đến Bồ tát. Còn khi ách nạn qua đi, thì họ ít khi nào nghĩ đến. Ðó là căn bệnh nghiệp chướng ích kỷ sâu dày của chúng sanh. Lý do họ niệm là vì sợ chết mà niệm. Niệm để được thoát chết hoặc để được toại nguyện theo một nhu cầu thiết yếu mong muốn nào đó của họ. Kỳ thật, không phải họ niệm vì muốn tu hành để được giác ngộ và giải thoát. Thử hỏi niệm danh hiệu của Ngài như thế, thì có đúng theo tinh thần bản nguyện mà Ngài đã chỉ dạy không?
Chúng ta nên nhớ rằng, Bồ tát Quán Thế Âm xưa kia trong lúc tu nhân, Ngài cũng phải khổ công hành trì theo lời dạy của đức Phật Quán Thế Âm mới được thành tựu. Như Ngài đã trình bày rõ về pháp tu của Ngài trong kinh Lăng Nghiêm. Pháp tu của Ngài chỉ dón gọn trong năm chữ: “phản văn văn tự tánh”. Nghĩa là phải hằng nghe lại tánh nghe của mình. Nhưng khởi đầu vẫn phải bước qua cửa ngõ “Văn, Tư, Tu”. Văn, Tư, Tu là ba môn huệ học có khả năng đưa người ta đạt đến chánh định. Ðây là cửa ngõ mà chúng tôi thiết nghĩ, bất cứ người tu hành nào muốn đạt đến quả vị cao tột, cũng phải bước qua. Ðây là một pháp tu mà Ngài đã học được từ nơi đức Phật Quán Thế Âm chỉ dạy. Văn là nghe, nghe rồi tư duy, phải luôn nghĩ nhớ chín chắn, xong rồi, nên ứng dụng thật hành những gì mà mình đã suy nghĩ chín chắn kỹ càng đúng theo chân lý.
Ðiều quan yếu hơn nữa trong pháp tu nầy, là khi nghe tiếng không chạy theo phân biệt ở nơi thinh trần. Vì còn phân biệt là còn dính mắc. Phải nghe lại tánh nghe thường hằng của chính mình. Nghe như thế, gọi là “nhập lưu vong sở”. Cho đến khi bặt dứt chủ thể và khách thể, nói rõ là không còn chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức. Có vượt ngoài đối đãi nhị nguyên, thì mới chứng nhập được bản thể. Ðến đó, thì không còn lời gì để diễn tả luận bàn. Nói năng không trúng, suy nghĩ chẳng nhằm. Chỉ có một tâm thể thanh tịnh sáng suốt hằng liễu tri. Nghĩa là thường biết một cách rõ ràng, không gì có thể dối gạt được. Tuy dứt hết muôn duyên, nhưng vẫn còn cái tâm thể sáng ngời hằng biết.
Như thế, thì ta thấy sự dụng công tu hành của Bồ tát Quan Thế Âm trong lúc tu nhân, thật không phải là chuyện tầm thường dễ dàng. Chính nhờ áp dụng đúng mức pháp tu đó, nên kết quả, Ngài mới trở thành một vị Bồ tát. Vị Bồ tát có đầy đủ năng lực hằng sa diệu dụng, tầm thinh cứu khổ độ sanh phi thường. Ngược lại, nếu chúng ta chỉ niệm danh hiệu Ngài một cách cho có lệ hời hợt không chí thành, hay chỉ niệm cầu mong được Ngài cứu độ cho qua cơn khổ nạn, rồi thì đâu cũng vào đấy. Nếu chỉ biết niệm như thế, thì quả thật không đúng với bản nguyện tu hành giáo hóa của Ngài. Vì bản nguyện của Ngài là muốn cho tất cả chúng sanh phải lo tu niệm hằng tỉnh giác để được thoát khổ. Vì nỗi khổ lớn nhứt của chúng sanh là nỗi thống khổ trôi lăn trong vòng sanh tử. Còn sanh tử là còn mãi mãi bị chìm đắm trong biển đời đầy hệ lụy khổ đau.
Ðiều cần nhấn mạnh ở đây là, chúng ta không thể phủ nhận sự linh ứng mầu nhiệm của Phật hay Bồ tát. Nhưng sự linh ứng đó cũng tùy tâm ta mà hiện ra. Nếu khi tâm ta có sự tha thiết thành tâm chánh niệm, thì ngay đó, tất nhiên, là có cảm ứng không sai. Nên nói hữu cầu tất ứng là vậy. Nhưng sự linh nghiệm ứng hiện nầy, cũng bởi do chính ta tha thiết chí thành mà có. Nếu chỉ một bề tin tưởng suông ở nơi Bồ tát không thôi, mà không lo tu hành làm lành lánh dữ, để đến khi mắc nạn mới kêu gọi đến Ngài, thì e rằng, chúng ta khó có thể được như ý muốn! Nếu là Phật tử chúng ta không thể một bề phó thác thân mạng mình giao cho Bồ tát. Vì ai ăn nấy no, ai tu nấy thành, ai hành nấy chứng. Không ai có thể tu thế cho ai hay lãnh cái khổ của người khác được. Chúng ta cần phải quan tâm ý thức rõ vấn đề then chốt nầy. Nếu mong cầu cái gì cũng được chư Phật, Bồ tát gia hộ toại ý hết, thì còn gì là luật nhân quả? Người tin chắc vào lý nhân quả thì không thể có tâm ỷ lại mong cầu vào tha nhân.
Ðiều quan trọng muốn thoát khổ là tự mỗi người phải nỗ lực tự cứu lấy mình. Còn ỷ lại mong chờ Bồ tát, thì không thể nào hết khổ được. Chư Phật và Bồ tát chỉ cho chúng ta một lối thoát, đó là những lời chỉ dạy trong kinh điển, rồi chúng ta y cứ theo đó mà ứng dụng hành trì. Có thế, thì chúng ta mới mong hết khổ. Cũng như chúng ta nương vào bản đồ chỉ dẫn mà chúng ta nỗ lực đi theo đúng phương hướng của bản chỉ dẫn đó thì mới mong đến đích. Vô lý, muốn đến đích mà chúng ta không chịu đi, chỉ biết ngồi lỳ một chỗ, thì thử hỏi làm sao chúng ta có thể tới nơi cho được?
Không tới nơi được thì chúng ta trách ai đây? Trách người chỉ đường hay trách bản đồ hướng dẫn? Chắc là chúng ta chỉ nên trách lấy sự ngu dại của chúng ta mà thôi. Hiểu thế, thì chúng ta không thể nào hoàn toàn ỷ lại vào thần lực cứu độ của các Ngài. Khi chúng ta gặp khổ nạn, sở dĩ chúng ta được sự cảm ứng linh nghiệm cứu khổ của các Ngài là vì lúc đó do chúng ta hết lòng thành tâm tha thiết cầu nguyện niệm danh hiệu Ngài. Bởi do lòng chí thành tha thiết đó mà chúng ta mới có được sự cảm ứng không sai. Nhưng đó chỉ là giai đoạn nhứt thời, mà Bồ tát tạo cho chúng ta có được một niềm tin vững chắc. Do có niềm tin vững chắc nên chúng ta mới phát tín tâm mạnh mẽ tu hành. Bằng ngược lại, thì không thể nào chấm dứt khổ đau được.
Ðạo Phật dạy chúng ta phải có cái nhìn thực tế. Ðừng bao giờ tin tưởng viễn vông một điều gì mà không qua sự chứng nghiệm cụ thể của chúng ta. Chúng ta tin tưởng vào sự linh ứng mầu nhiệm của Phật Pháp, đó là sự linh ứng hướng dẫn chúng ta đi đúng theo đường lối tu hành giác ngộ giải thoát. Ðược thế, thì mới không hổ thẹn là người Phật tử và mới thật xứng danh là người Phật tử chân chánh tu học Phật vậy.
Tỳ Kheo Thích Phước Thái
http://thienviendaidang.net/00/bandocquantam.php?readmore=150
0 comments:
Post a Comment